Đông trùng hạ thảo hay nhộng trùng thảo, hay trùng thảo… là tên thường gọi của một số loài nấm Cordyceps – nấm dược liệu ký sinh trên côn trùng (ấu trùng sâu bướm).
Trong tự nhiên có hàng trăm loài nấm này, nhưng chỉ có 02 loài được nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm là Cordyceps sinensis và Cordyceps militaris.
Trước kia, nhắc đến Đông trùng hạ thảo người ta thường nghĩ đến loài nấm có hình dạng như cành cây khô, mọc từ thân của ấu trùng sâu, màu nâu sẫm. Đây cũng là loại mà nhiều người tin rằng là sản phẩm khai thác tự nhiên, quý hiếm.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học hiện đại, thế giới đã thành công trong việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo loài Cordyceps militaris bằng nguồn dinh dưỡng như gạo lứt, khoai tây, nước dừa… mà vẫn chiết xuất được nhiều hợp chất tốt cho sức khoẻ. Cordycepin là một dược chất chính từ đông trùng hạ thảo, được tìm thấy trong loài nấm này. Bên cạnh cordycepin, thì adenosine là dược chất chính thứ hai mà hàm lượng của nó đặc trưng cho chất lượng của loài này.
Để tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo đạt chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao nhất thì trước khi áp dụng quy trình vào sản xuất sẽ phải nghiện cứu công nghệ, kĩ thuật về nuôi cấy dược liệu đông trùng hạ thảo. Cụ thể, để có được quy trình sản xuất chuẩn, phải trải qua những cuộc thử nghiệm với những mức độ ẩm, thời gian nuôi cấy, nhiệt độ và ánh sang khác nhau. Từ đó, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao tìm ra công thức hoàn chỉnh để áp dụng.
Bước 1: Chuẩn bị nhà kính sạch đạt chuẩn
Nhà kính dùng để nuôi cấy “nấm” phải được khử khuẩn để đảm bảo vô trùng; có độ thoáng, độ sáng tự nhiên ở mức cần thiết. Nghĩa là phải chuẩn bị ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ một cách kĩ lưỡng, cẩn thận nhất.
Bên trong nhà kính sẽ cần có thêm hệ thống giá & giàn phục vụ cho việc đặt những bình nuôi trồng và lọ cơ chất. Đặc biệt, không thể thiếu đèn chiếu sáng để đông trùng hạ thảo có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
Bước 2: Trang bị hệ thống làm lạnh, phun sương
Hệ thống làm lạnh đóng vai trò là giữ cho nhiệt độ luôn ở mức ổn định (18 – 25 độ C). Hệ thống phun sương giúp độ ẩm được duy trì trong mức 70 đến 85%. Mức nhiệt độ, độ ẩm này sẽ giúp cho “nấm” có thể sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng tỉ lệ thành công và có thể thu về đông trùng hạ thảo có chất lượng cao nhất.
Bước 3: Chuẩn bị giá thể đã được hấp tiệt trùng
Đây là một bước quan trọng, có thể quyết định đến sự thành công hay thất bại của quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo. Vì vậy, Công ty Thiên Thảo Việt sử dụng giá thể là một dung dịch hỗn hợp được làm từ nước dừa, nhộng tằm và gạo lứt, khoai tây, đậu tương với tỉ lệ chuẩn cùng những vi lượng, khoáng chất khác.
Song song đó, giá thể phải được đưa vào những lọ cơ chất. Tiếp đến là hấp khử trùng ở trong môi trường có nhiệt độ là 121 độ C với thời gian bắt buộc là 35 phút (không nên ít hoặc nhiều hơn, bởi có thể làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng)
Bước 4: Cấy giống
Dùng que cấy đã khử khuẩn vô trùng để chia nhỏ những giống gốc. Sau đó, cấy miếng giống gốc vào môi trường nuôi cấy (vị trí chính giữa) ở trong ống nghiệm.
Bước 5: Đặt giá thể vào buồng tối (thời gian 7 ngày)
Giống ở giai đoạn ươm sợi sẽ cần được nuôi ở trong phòng điều hòa (nhiệt độ dao động từ 20 đến 22 độ C và độ ẩm khoảng 65 đến 70%, kín và không ánh sáng). Chờ đến khi sợi nấm đã ăn kín bề mặt của quả thể sẽ bắt đầu chuyển đến giai đoạn là tạo quả thể.
Bước 6: Đặt vào phòng tiêu chuẩn
Trải qua 7 ngày ở trong buồng tối, những lọ cơ chất sẽ được vận chuyển đến phòng chiếu sáng để đảm bảo chiếu sáng đủ 12 giờ mỗi ngày với nhiệt độ 18 – 20 độ C, cường độ 1000 Lux và độ ẩm 75 – 80%. Đồng thời, chỉ mở cửa phòng 2 buổi là sáng sớm & chiều tối với mỗi lần khoảng 30 phút để không khí bên trong và bên ngoài được lưu thông với nhau.
Trung bình, giai đoạn này sẽ cần 10 đến 15 ngày. Sau khi kết thúc khoảng thời gian gần 2 tuần, trên bề mặt của môi trường sinh khối sẽ mọc lên các ngọn đông trùng hạ thảo li ti.
Bước 7: Theo dõi quá trình phát triển của “nấm”
Tiếp tục duy trì chế độ chiếu sáng mỗi ngày 12 giờ cho những lọ cơ chất. Song song đó, sẽ giảm độ chiếu sáng xuống mức 700 Lux và tăng độ ẩm lên 80 đến 85%, riêng nhiệt độ vẫn giữ nguyên.
Thời gian mở cửa phòng không thay đổi, 2 lần/ngày vào sáng sớm & chiều tối. Nhưng thêm vào đó là sẽ kiểm tra một cách thường xuyên hơn để kịp thời loại đi những lọ đã bị hỏng hoặc mốc – giúp hạn chế lây lan trên diện rộng.
Giai đoạn này kéo dài từ 65 đến 70 ngày – đủ để “nấm” có thời gian phát triển một cách toàn diện. Kết quả thu được là sự xuất hiện của những bào tử đông trùng hạ thảo ở trên phần ngọn mọc dài ra.
Bước 8: Thu hoạch các lọ “nấm” sinh khối đạt chuẩn
Khi đã đủ ngày tuổi, các lọ “nấm” sinh khối đạt chuẩn (trọng lượng 100 đến 150 gram, sợi cao trên 13 cm, chưa bung bào tử, có màu vàng đậm đều nhau) sẽ được thu hoạch. Sẵn sàng cho bước tiếp theo.
Bước 9: Sấy thăng hoa
Chọn ra những sản phẩm đông trùng hạ thảo đạt chuẩn để đưa vào buồng sấy có các dụng cụ chuyên dụng (đã được khử trùng). Bước này sẽ giúp cho “nấm” có thể bảo quản được lâu hơn mà vẫn giữ nguyên được thành phần và không bị giảm đi tác dụng.
Đông trùng hạ thảo sau khi sơ chế sẽ được xếp vào từng khay sấy và đưa vào máy sấy thăng hoa. Đông trùng hạ thảo lúc này được đông lạnh nhanh ở nhiệt độ cực thấp (-30 đến -50 độ C) để toàn bộ dung môi (thường là nước) trong đông trùng hạ thảo biến thành thể rắn. Đây là công đoạn đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình sấy thăng hoa của đông trùng hạ thảo. Vì vậy, cần chú ý theo dõi, đảm bảo nhiệt độ đủ lạnh để đông trùng hạ thảo không bị hư hỏng. Tiếp theo là tiến hành sấy sơ cấp (sấy thăng hoa) đông trùng hạ thảo. Mục đích của sấy sơ cấp là làm thăng hoa lớp băng trong vật liệu trong từng trường chân không với áp suất thấp. Các tinh thể đá trong đông trùng hạ thảo sẽ thăng hoa mà không qua giai đoạn hóa lỏng, nhờ đó giữ được hàm lượng dinh dưỡng quý giá của dược liệu. Kết thúc giai đoạn này, khoảng 90% độ ẩm trong đông trùng hạ thảo bị loại bỏ. Tiếp theo là giai đoạn làm khô thứ cấp (khử ẩm) của đông trùng hạ thảo. Ở giai đoạn này, nhiệt độ được điều chỉnh dần dần, giúp phần nước còn lại trong đông trùng hạ thảo bay hơi gần như hoàn toàn. Độ ẩm trong nguyên liệu thô vào thời điểm này là khoảng 1-4%.
Bước 10: Đóng gói, lưu hành
Đông trùng hạ thảo được lấy ra khỏi những hợp nuôi cấy. Sau đó đóng vào những lọ thủy tinh (loại cao cấp và đã được khử trùng) rồi dán tem thương hiệu, thông tin sản phẩm,… trước khi xuất bán rộng rãi ra thị trường.